Mới nhất :
Recent Movies
Showing posts with label thanh sang. Show all posts
Showing posts with label thanh sang. Show all posts

TRƯỜNG TƯƠNG TƯ ~ MINH PHỤNG, LỆ THỦY, THANH KIM HUỆ, THANH SANG

🎭 🎭 TUỒNG CẢI LƯƠNG : TRƯỜNG TƯƠNG TƯ
🚼  DIỄN VIÊN: MINH PHỤNG, LỆ THỦY,  THANH KIM HUỆ, THANH SANG
🚼Soạn Giả: HOA PHƯỢNG, THẾ CHÂU
[id]Tập 01;https://www.youtube.com/watch?v=BmHL-oLbDXk| Tập 02;https://www.youtube.com/watch?v=Qz7tH9LbS2g| Tập 03;https://www.youtube.com/watch?v=fLWcwDdEqFY| Tập 04;https://www.youtube.com/watch?v=L_rcQQaRi6s|[/id]

{[['']]}

News_Ký ức Thanh Sang 5: 'Đói cũng đừng bỏ cải lương!'

Hồi Ký Thanh Sang 5: 'Đói cũng đừng bỏ cải lương!'

 

Khi ngồi lục lại ký ức để viết hồi ký, NSƯT Thanh Sang cũng bồi hồi nhớ một giai đoạn thăng trầm của cải lương. Có lúc rực rỡ huy hoàng, cũng có lúc khủng hoảng ghê gớm và đời nghệ sĩ của ông cũng lên xuống với nghiệp tổ…



NSƯT Thanh Sang vai Trần Minh - Linh Huyền vai Quỳnh Nga trong vở Bên cầu dệt lụa - Ảnh: H.K


*“Chiến đấu” với phim Hồng Kông


Khoảng 1968 đến 1970-1972, chiến tranh lan tràn trên dải đất miền Trung, cải lương cũng bị thương tổn rất lớn. Bởi miền Trung là đất sống của cải lương không thua gì miền Nam. Các đoàn thường kéo ra miền Trung biểu diễn khi miền Nam vào mùa mưa. Khán giả miền Trung mê cải lương cho đến tận bây giờ. Nhưng “mùa hè đỏ lửa” ấy đã khiến họ tan tác vì sống chết, mưu sinh, ai còn tâm trí đi coi cải lương. Bởi thế các đoàn án binh bất động, hoặc loay hoay ở phía nam.

Mà phía nam lúc này đang bị làn sóng phim Hồng Kông chiếm lĩnh, khán giả mê mẩn với một trào lưu nghệ thuật mới mẻ, trút tiền đi xem phim, dĩ nhiên cải lương đìu hiu thêm nữa. Nội công ngoại kích, các đoàn nhỏ đoàn tỉnh rã gánh liên tục. Còn lại một số khác thì chỉ còn hát đình hát miếu, hát chợ, hát sân banh... Che bạt mà hát. Dã chiến mà hát. Một số đoàn lớn mới bám trụ được ở các rạp nổi tiếng. Nhưng khổ, các rạp giờ cũng trưng dụng để chiếu phim, ngay cả rạp Nguyễn Văn Hảo lẫy lừng mà bà bầu Thơ thường hợp đồng cũng nhường đất cho phim ảnh. Cải lương chỉ còn bám víu vào rạp Hưng Đạo, Quốc Thanh, Thủ Đô…

Nghệ sĩ tan tác như gà con lạc mẹ nhưng kiên quyết không bỏ nghề, rã gánh thì đi tìm gánh khác nhập vô. Loay hoay thì cuối cùng vẫn ăn cơm tổ. Thanh Sang lúc đó đang hát cho đoàn Dạ Lý Hương của ông bầu Xuân, thường đóng vai nhì, chứ vai chánh đã có Bạch Tuyết, Hùng Cường, Ngọc Giàu, Thành Được. Lâu lâu ông cũng đóng chánh một lần. Nhưng danh tiếng của huy chương vàng Thanh Tâm vai Tạ Tốn thì vẫn còn sáng rực.

*Phục hồi rực rỡ


Vài năm sau, người ta xem phim Hồng Kông mãi cũng chán, thế là quay lại với cải lương. Nghệ sĩ tên tuổi vẫn còn hoạt động nên khi cải lương phục hồi thì rất nhanh rất dễ. Thậm chí nhà đầu tư còn mở thêm rạp mới như Thăng Long (đường Cống Quỳnh), Đại Đồng (đường Cao Thắng), Kim Châu (đường Nguyễn Thái Bình), Đại Nam (đường Trần Hưng Đạo). Các rạp này nằm ngay mặt tiền của khu trung tâm nên khán giả kéo tới nườm nượp. Cải lương mang một diện mạo sáng sủa hẳn ra.

Thanh Nga và Thanh Sang trong vở Tiếng trống Mê Linh
Nhưng khó khăn thời chiến vẫn còn kéo dài chưa hết. Chính quyền Sài Gòn ra lệnh giới nghiêm từ 10 giờ rưỡi tối, ai ra đường là bị xét hỏi lôi thôi. Vậy thì làm sao khán giả đi coi cải lương được thoải mái. Cải lương thường bắt đầu từ 8 giờ, tuồng nào cũng dài xêm xêm 3 tiếng đồng hồ, hát xong vãn tuồng đã 11 giờ, còn đi xe về nhà nữa, quá giờ giới nghiêm là cái chắc. Phải tính sao cho người ta vẫn chịu mua vé chứ. Thế là mấy đoàn hát đôn giờ lên, 7 giờ rưỡi mở màn, và cắt bớt tuồng tích cho ngắn gọn. Kể cũng tiếc, vì cải lương là phải nghe ca mới đã, giờ bắt đào kép bớt ca thì họ ấm ức mà khán giả cũng khó chịu. Nhưng bắt buộc phải làm như thế để tồn tại. Cũng may, các tác giả đều viết được những tuồng hay nên dù có cắt bớt vẫn thấy hay. Chẳng hạn Tuyệt tình ca, Tiếng hạc trong trăng, Cô gái Đồ Long, Tần Nương Thất... Khán giả nhiều người coi cả chục lần, riết họ thuộc lòng chi tiết, bài bản, cắt đoạn nào, bài nào là họ biết liền, nhưng rồi phải thông cảm cho cải lương thôi chứ biết sao.

Cầm cự với chiến tranh như thế, cho đến ngày 30.4.1975 thì miền Nam giải phóng. Thật sự giai đoạn này mới là lúc cải lương rực rỡ hơn bao giờ hết. Dù là các ông bà bầu phải đem gánh hát của mình vô đăng ký với nhà nước để trở thành đơn vị cải lương tập thể bên cạnh những đơn vị cải lương “quốc doanh” như Nhà hát Trần Hữu Trang, nhưng lực lượng đào kép lại rất hùng hậu và tuồng tích nghiêm túc chuẩn mực, khán giả mua vé muốn bể rạp, thậm chí vé chợ đen hoạt động tưng bừng. Bởi có đến 3 lực lượng nghệ sĩ cùng phối hợp nhau biều diễn, một là nghệ sĩ tại Sài Gòn, hai là nghệ sĩ từ trong chiến khu ra, ba là nghệ sĩ tập kết ra Bắc nay trở về. Bao nhiêu đoàn nổi tiếng như Sài Gòn 1, Sài Gòn 2, Sài Gòn 3, Phước Chung, Văn công TP.HCM, Thanh Nga, Huỳnh Long… với các vở Tiếng trống Mê Linh, Bên cầu dệt lụa, Dương Vân Nga, Nàng Xê Đa, Ngao Sò Ốc Hến, Tìm lại cuộc đời, Khách sạn hào hoa, Ánh lửa rừng khuya, Người ven đô… gây ấn tượng mạnh mẽ cho người xem mãi tận bây giờ. Thanh Sang bồi hồi: “Hồi mới giải phóng tuy lãnh lương theo kiểu bao cấp, nghệ sĩ chúng tôi không giàu có như trước, nhưng hát rất vui vì khán giả đông lắm, nghe từng lời từng chữ. Bây giờ cuộc sống thoải mái hơn nhưng khán giả lại ít đến rạp, có lẽ do họ có quá nhiều thú vui, như phim ảnh, internet. Chỉ khi nào làm một chương trình như gia đình Bảo Quốc đã làm, với Tiếng trống Mê Linh, Bên cầu dệt lụa, Nửa đời hương phấn, quy tụ đông đảo nghệ sĩ tài danh cùng một lúc thì người ta mới chịu mua vé”.

*“Tổ không phụ người làm nghề tử tế đâu”


Thanh Sang biết cuộc sống mỗi ngày mỗi thay đổi, và bây giờ cải lương gặp rất nhiều khó khăn. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều khán giả trung thành với cải lương, không bỏ cải lương. Vậy thì nghệ sĩ cũng nên cố gắng giữ lấy cái nghề, bởi dường như đó đã là cái nghiệp mà tổ cho mình, tổ chọn mình, thì mình ráng mà đi cho trọn con đường. Ông nói: “Thời nào mà không có người đói. Hồi đó tôi lưu lạc ở Sài Gòn, gánh cũ thì rã, gánh mới không nhận, muốn về quê thì túi không tiền, mà bụng đói muốn xỉu. Tôi lân la đến mấy quán ăn, xin vô rửa chén không công, chỉ cần họ cho ngày mấy bữa cơm là được rồi. Mà không phải ăn cơm trong nồi múc ra đâu, mà là cơm của khách ăn thừa. Cầm cự như vậy để chờ cơ hội được hát trở lại. Nói như thế để các em các cháu sau này có đi theo cải lương thì ráng bền lòng vững chí. Nghề nào mới vô cũng có thử thách, nhưng mình cố chung thủy với nghề, làm nghề tử tế thì tôi tin tổ nghiệp không phụ mình đâu. Nhưng nếu các em có kẻ bỏ nghề thì thực sự tôi cũng thông cảm. Mình không dám lấy mình làm cột mốc rồi bắt mấy em giống mình. Chỉ dám khuyên mấy em ráng chịu đựng buổi đầu”.

Hỏi ông yên tâm về thế hệ trẻ hay không, ông nói: “Yên tâm. Các em bây giờ chịu học hỏi, diễn tốt đó chứ. Thế hệ của chúng tôi chủ yếu giọng ca, nhưng thế hệ bây giờ có học diễn xuất nên diễn rất tốt. Chỉ có điều phát âm còn chưa chuẩn, có khi cố tình nói điệu đà để chứng tỏ ta đây “sang trọng”, làm mất sự trong sáng, giản dị của cải lương. Giọng miền Nam phải ra miền Nam chứ. Trừ khi là người Bắc ca vọng cổ thì không ai bắt lỗi, đằng này người Nam bộ mà phát âm cứ như vùng nào”.
Nhưng tại sao ông lại yên tâm về lớp trẻ trong khi khán giả hình như cứ nuối tiếc “thế hệ vàng” của ông cùng Thanh Nga, Bạch Tuyết, Lệ Thủy, Mỹ Châu, Út Trà Ôn, Minh Vương, Minh Phụng, Thanh Kim Huệ, Chí Tâm, Ngọc Giàu, Phượng Liên, Thanh Tuấn, Minh Cảnh, Phương Quang, Diệp Lang, Hồng Nga, Tấn Tài, Út Bạch Lan, Hoài Thanh, Ngọc Bích… Ông trầm ngâm: “Chắc tại khán giả quen rồi. Bỏ một thói quen không phải dễ. Nhất là những giọng ca ấy đã theo khán giả suốt mấy chục năm, trở thành thân thuộc. Nhưng tôi mong khán giả hãy thử làm quen với thế hệ trẻ, hãy chấp nhận họ. Bởi họ chính là người kế thừa thế hệ chúng tôi giữ cho cải lương tồn tại và phát triển. Họ có cái hay riêng bù vào chỗ yếu hơn so với chúng tôi. Thực sự nhiều nghệ sĩ có lượng fan đông đảo lắm chứ”. Chính vì vậy mà ông vẫn đi hát chung với nghệ sĩ trẻ như một cây cầu bắc từ thế hệ này sang thế hệ khác, mong sân khấu sẽ được truyền lửa mãi mãi.

*Đường gươm Nguyên Bá nặng nỗi niềm


Bìa CD vở Đường gươm Nguyên Bá

Điều mà Thanh Sang đang mong ước là có thể diễn lại những vở hay ngày xưa như Đường gươm Nguyên Bá. Ông ước ao có ai đó bỏ tiền dàn dựng vở này để ông được đóng vai nhà vua. Ông thích Đường gươm Nguyên Bá bởi tính triết lý sâu sắc ẩn trong đó, và nhất là trong nhân vật nhà vua Thanh Sang ít di chuyển, ít vũ đạo, ông sẽ đỡ mệt, đỡ nguy hiểm cho sức khỏe. Ông cười tiết lộ bí mật: “Tôi bệnh nhưng tôi cứ suy nghĩ mãi về vở này, tự sắp xếp chọn lựa đào kép thử xem có ai phù hợp các vai như xưa. Vai Nguyên Bá thì Minh Vương không biết có đóng nổi hay không, vì thượng tướng mà, cứ phải đánh kiếm oai hùng. Vai thái tử Ngũ Châu và nàng Thủy Cúc thì Thanh Tuấn - Thanh Kim Huệ thừa sức khỏe để đóng, nhưng tuổi tác quá chênh lệch so với nhân vật. Mà hai vai này lại quá hay, tôi tìm mãi không ra cặp đào kép nào để đóng cho hợp. Ngẫm nghĩ rồi sinh ra buồn, thèm gặp lại ê kíp ngày xưa diễn với nhau thật ưng ý. Nay người nào cũng già yếu, qua thời xuân sắc, biết có còn gặp lại trên cùng sàn diễn nữa không?...”.

Ông hoài niệm về vở này nhiều lắm, nhưng không có gan bỏ tiền ra “làm bầu”. Ông lắc đầu: “Không ai dàn dựng thì tôi đành bỏ cuộc chứ tôi biết mình không giỏi mấy vụ tính toán, quản lý, mệt lắm, không hợp với bản chất của tôi, thà đừng dính vô”. Thôi thì chờ đợi, xem ai có thể giúp Thanh Sang toại nguyện.
Hoàng Kim


Xem Tiếp
{[['']]}

News_Ký ức Thanh Sang 4: Những bóng hồng không thể quên

NSƯT Thanh Sang từng đứng chung sân khấu với nhiều cô đào nổi tiếng, làm nên những cặp bạn diễn ăn ý. Đó là những “bóng hồng” ông không thể nào quên.


Thanh Sang, Thanh Nga trong vở Tiếng trống Mê Linh - Ảnh: tư liệu
Thanh Nga rơi nước mắt vì Thanh Sang
Thanh Sang đã sánh vai với nhiều cô đào nổi tiếng, nhưng có thể nói NSƯT Thanh Nga mới là bạn diễn “đẹp” nhất của ông trên sân khấu. “Đẹp” ở đây là sự cân xứng về diễn xuất, sự tung hứng ăn ý, làm nên tên tuổi cho cả hai. Thanh Nga cũng từng diễn với nghệ sĩ Thành Được nức tiếng một thời, nhưng không hiểu sao đến bây giờ ấn tượng đẹp nhất vẫn là khi bà diễn với nghệ sĩ Thanh Sang. Và ngược lại, Thanh Sang cũng chỉ đẹp nhất trong mắt khán giả khi diễn với Thanh Nga.
Có thể nói, Thanh Sang đã bôn ba qua nhiều đoàn hát, cũng gây dựng được tiếng tăm, nhưng mãi đến khi về với đoàn Thanh Minh đứng chung với Thanh Nga thì ông rực sáng hơn bao giờ hết. Tiếc là trước giải phóng không quay phim lại các vở diễn của đoàn Thanh Minh, chỉ đến khi Bên cầu dệt lụa và Tiếng trống Mê Linh ra đời, được phát sóng rộng rãi trên truyền hình thì cả nước mới òa lên ngưỡng mộ đôi đào kép quá tuyệt vời này.
Đôi khi người ta chỉ cần một hoặc hai vai diễn để đời thôi cũng là quá đủ cho ký ức khán giả. Thanh Sang - Thanh Nga có Thi Sách - Trưng Trắc và Trần Minh - Quỳnh Nga đủ khắc sâu vào trái tim mọi người. Ngoài ra, hai ông bà còn đóng chính trong các vở Dương Vân Nga, Tiếng hạc trong trăng, An Lộc Sơn, Hoa Mộc Lan, Tấm lòng của biển, Đôi mắt người xưa... Thanh Sang nói: “Chúng tôi ăn ý nhau trong từng chi tiết nhỏ, chỉ cần thấy ánh mắt người này là người kia biết mình phải làm gì, phải đưa tay ra hay nâng ly lên, hoặc bước lui lại. Khi hát cũng vậy, chỉ cần nghe người này nhấn chữ thế nào là người kia biết mình phải cất giọng ra sao. Lên sàn tập, dường như tôi và Thanh Nga không cần quá vất vả, vì rất hiểu ý nhau, tập tuồng rất nhanh”.
Hỏi có khi nào ông và Thanh Nga cãi nhau vì trái ý trong kịch bản hay không, Thanh Sang cười: “Có chứ. Cũng bàn bạc cho ra nhân vật chứ, thỉnh thoảng cũng có cãi. Nhưng cơ bản là Thanh Nga biết lắng nghe lắm, tôi cũng vậy, tôi tuy ngang bướng nhưng hễ vô nghề là mình phải biết lắng nghe, cầu tiến. Cả hai chúng tôi đều góp ý cho nhau và diễn thật ăn ý”. Ông cũng nhớ lại có lần Thanh Nga giận ông chuyện gì đó mà bà lẫy với bà bầu Thơ: “Tối nay con bịnh, hổng có hát đâu”. Bà bầu Thơ tỉnh queo: “Ờ, để tao ra xin lỗi khán giả, trả vé, rồi vợ chồng bây đem tiền túi ra trả cữ lương cho anh em nghen. Không hát thì cũng phải phát lương cho người ta về nuôi vợ con chớ”. Thế là Thanh Nga không dám giận nữa, bước ra hát mà mắt đỏ hoe vì khóc giận Thanh Sang. Nhưng giận không lâu, bởi lên sân khấu thì hai người lại là một cặp yêu nhau, Thanh Sang diễn có duyên quá mà, “máu nghề” giúp Thanh Nga tươi tỉnh lại. Thanh Sang cũng là người bản chất hiền lành, tuy có cộc cằn, đào hoa (như ông từng thừa nhận) nhưng sống chân thật, thẳng thắn, khó mà ghét được. Cứ thế, Thanh Nga và Thanh Sang đã đi với nhau một chặng đường dài, tiếc là gãy gánh giữa đường.
Diễn với nhiều bóng hồng tài sắc lẫy lừng
Thanh Sang khá “kén” đào khi diễn chung. “Kén” không phải do ông, mà do tự nhiên nó thế, tự nhiên cái chất giọng, cách diễn của ông khó tìm ra người đồng diễn phù hợp. Đến nỗi có người hỏi thẳng thừng: “Thanh Nga mất đi liệu có kết thúc sự nghiệp của Thanh Sang?”. Nhưng rồi Thanh Sang vẫn đứng chung sân khấu với nhiều cô đào khác, xem ra không đến nỗi nào, vẫn gây được tiếng vang. Chẳng hạn NSND Bạch Tuyết đã cùng ông gây sóng gió trong vở Kim Vân Kiều, Lục Vân Tiên. Rồi Phượng Liên, Mỹ Châu, Lệ Thủy, Thanh Kim Huệ đồng hành cùng ông trong Đời cô Lựu, Pha lê và cát bụi, Những vì sao không tên, Dương Vân Nga..., thậm chí với thế hệ trẻ sau này như Thanh Ngân, Phượng Hằng, Phượng Loan, Ngọc Huyền, Thanh Thanh Tâm, Linh Huyền… Bởi làm sao có thể phí một tài năng như ông, các đoàn vẫn cứ mời ông liên tục, khi đi tỉnh thì ông vẫn đóng vai Trần Minh và Thi Sách với một cô đào nào đó.
Ông nói thật lòng: “Hát với ai thì cũng cố gắng làm tròn vai chứ không được ăn ý hoàn toàn như với Thanh Nga. Mà thôi, nói vậy người ta hiểu lầm nói tôi chảnh, rồi ghét tôi. Chứ thật sự sân khấu là như thế, có khi chỉ kép này đóng với đào này mới phù hợp. Thí dụ, Bạch Tuyết thì đóng với Hùng Cường làm nên “cặp sóng thần” đó. Cái duyên với nhau thôi. Nhưng không lẽ không có người đó rồi mình không hát luôn. Mình cứ hát với người khác, nhất là hát với lớp trẻ, có khi để rút kinh nghiệm mà đi theo cho hợp thời đại. Tôi không muốn mình lạc hậu. Lớp trẻ có cái hay của họ, mình cứ tiếp nhận”.
{[['']]}

News_Ký ức Thanh Sang 3: 7 năm thành sao, 7 lần ở tù và 7 người vợ

Kỳ lạ làm sao, cuộc đời lắm truân chuyên của Thanh Sang luôn gắn liền với con số 7.


Vợ chồng nghệ sĩ Thanh Sang - Ảnh: H.K

*Con số 7 định mệnh

Ba ông mất lúc ông mới 7 tuổi, đó là cột mốc đầu tiên. Cậu bé 7 tuổi đã sớm ý thức mình là “người đàn ông” duy nhất trong gia đình nên không nề hà gánh vác cho mẹ và các chị. Đến khi đi hát, đúng 7 năm sau, ông đoạt giải Thanh Tâm. Ông vô nghề năm 1957 thì đến năm 1964, ông được xướng tên lãnh huy chương vàng cùng với nghệ sĩ Lệ Thủy. Ông đóng vai Tạ Tốn trong vở Cô gái Đồ Long của đoàn Dạ Lý Hương, một vai kép lão tưởng chừng “dìm hàng” anh kép trẻ Thanh Sang, nhưng không ngờ lại đẩy Thanh Sang lên đài danh vọng. Vai Tạ Tốn chẳng những là vai già mà còn khó diễn bởi nhân vật bị mù, làm sao nghệ sĩ sử dụng được đôi mắt hỗ trợ cho tâm trạng. Thanh Sang chỉ còn dùng nội lực trong giọng ca, trong diễn xuất của hình thể, và sự chững chạc của ông đã chinh phục khán giả lẫn ban giám khảo, đến nỗi người ta gọi Thanh Sang bằng biệt danh của Tạ Tốn là Kim Mao Sư Vương. Và vở Cô gái Đồ Long bán vé như tôm tươi, khiến đoàn Dạ Lý Hương phấn khởi. Ông bầu Xuân của Dạ Lý Hương ký liền một hợp đồng lớn và Thanh Sang mừng rỡ chạy ngay về Phước Hải mua một căn nhà cho mẹ.

Nhưng dù đoạt giải Thanh Tâm rồi thì các nghệ sĩ thời đó vẫn bị bắt quân dịch. Thanh Sang kể: “Tôi bị bắt quân dịch tới 7 lần. Đi lính hết 7 năm, rồi trốn ra, rồi bị bắt lại, bị bỏ tù 7 lần. Mình muốn đi hát kiếm tiền nuôi gia đình thôi chứ đâu có muốn cầm súng đối mặt với chiến tranh”. Vô trại hoài nên không hát được, rốt cuộc cũng nghèo như trước, dù mang tiếng là huy chương vàng Thanh Tâm. Chợt nhớ NSND Diệp Lang cũng có lần kể y như vậy, ông đoạt giải Thanh Tâm năm 1963 rồi cũng bị bắt quân dịch, cũng nghèo khổ lận đận suốt. Thanh Sang lắc đầu: “Ai có tiền lo lót thì được ra hát, còn không cứ cắm trại. Trốn ra được vài lần để hát, khi bị lộ thì bị nhốt cấm túc biệt lập, khổ lắm. Khoảng năm 1974, tôi đã tính chặt ngón tay để miễn quân dịch luôn, nhưng may mà năm 1975 giải phóng đất nước. Tính ra tôi đi lính hết 7 năm. Thật lòng mà nói, cái giá của hòa bình đắt lắm, có khi lớp trẻ chưa từng trải qua chiến tranh chưa thấu hiểu đâu”.

*7 người vợ

Và cái duyên với số 7 của Thanh Sang còn là 7 người vợ đi qua cuộc đời ông. Trong đó, có một người là con gái của ngôi sao cải lương Ngọc Nuôi, tên Ngọc Bích. Sau này, dù Thanh Sang và Ngọc Bích đã chia tay, nhưng ông vẫn hát chung với “bà già vợ” trong vở Bên cầu dệt lụa. Ông đóng vai Trần Minh, còn Ngọc Nuôi đóng vai mẹ Trần Minh. Hai mẹ con hát thật ăn ý, giọng ca và diễn xuất của Ngọc Nuôi dù ở tuổi xế chiều nhưng vẫn làm nên một vai diễn để đời. Còn Thanh Sang - Trần Minh làm khán giả rơi nước mắt khi lên câu vọng cổ khóc mẹ vì mẹ đánh không đau. Sau này, ông nói về mẹ vợ của mình thật trìu mến: “Tôi nghe tin bà mất trong khi quỳ lạy Phật tụng kinh, thật là đại phước. Đâu phải ai muốn chết như vậy là được. Có người chết vật vã trong bệnh viện. Có người chết vì tai nạn. Còn bà chết bình an dưới chân Đức Phật. Tôi xúc động lắm”.

Ông trầm ngâm: “Và tôi cũng có 7 năm cô đơn, không vợ con gì hết. Cuối cùng mới gặp “bà Liễu” đây nè”. Bà Liễu tên thật là Ngọc Mỹ. Bà là con gái nhà giàu, mẹ bà vì mê cải lương, mê Thanh Sang mà kêu gả con cho ông một cách ngon lành. Tấm ảnh treo trên tường cho thấy bà hồi ấy rất đẹp, lấy chồng một cách khá ngây thơ. Và bà cũng rất vị tha khi thấy ông chồng “ngôi sao” của mình nhiều ong bướm dập dìu lượn quanh. Có người biết bà là vợ mà cứ xông thẳng vô nhà ngồi... đợi ông. Bà nấu cơm mời ăn, cũng ăn, rồi ngồi... đợi tiếp. Dạng si tình như vậy mà bà Liễu nhịn được, thảo nào đồng nghiệp cứ khen bà. Thanh Sang chỉ còn cách trốn biệt cho người ta nản mà bỏ cuộc. Còn bà Liễu quan niệm: “Ổng là nghệ sĩ thì dĩ nhiên có nhiều người mê. Thây kệ. Cái gì của mình là của mình”. Và bà một tay chèo chống gia đình, nuôi con nhỏ, chăm mẹ già khi chồng đi hát xa. Sau này bà còn mở quán cơm, thức khuya dậy sớm lo nấu nướng, quản lý, vất vả vô cùng. Đến lúc Thanh Sang bệnh nặng, cũng một tay bà chăm sóc. Nhắc ông từng viên thuốc, chở đi khám bệnh, chở đi hát, canh ông trong bệnh viện, đọc kịch bản cho ông, viết lại bản nháp hồi ký mà ông thảy ra... Vừa là vợ, là tài xế, là y tá, là nhắc tuồng, là thư ký, là bảo mẫu... Biệt thự vừa xây rất to bên bờ sông Sài Gòn cũng có công sức của bà rất nhiều. Có lẽ duyên phận của ông kết thúc ở con số 7 này, ở người vợ thứ 7 này cũng là xứng đáng.

Hoàng Kim


Xem Tiếp
{[['']]}

News_Ký ức Thanh Sang 2: Vận đen đeo đuổi

Kiều Nguyệt Nga Thanh Sang Bạch Tuyết

Bạch Tuyết, Thanh Sang trong vở Kiều Nguyệt Nga - Ảnh: H.K

*Vừa vá lưới vừa ca vọng cổ

Cậu bé làng biển mỗi chiều ngồi vá lưới trên bãi cát thường ngân nga mấy câu vọng cổ. Ấy bởi vì cậu ở gần một rạp hát, cứ vô “coi cọp”, riết rồi mê cải lương như điếu đổ. Đúng ra, cái thời radio còn thu hút mọi người, cứ phát sóng những bài vọng cổ và tuồng cải lương, nên dân miền Nam nghe vọng cổ tới ghiền. Từ nghe, rồi bắt chước giọng ca người này người kia. Thanh Sang ca theo giọng Út Trà Ôn, ai cũng xuýt xoa khen. Cái giọng trầm của Thanh Sang hình như rất hợp với giọng trầm của ông Út Trà Ôn.

Nghe thôi, chưa “đã”, còn phải vô rạp coi cải lương mới sướng. Thanh Sang nói: “Nghe tiếng trống chầu xa xa dội tới là ruột gan tôi đã nôn nao. Rốt ráo làm công việc cho xong để chạy tới rạp mà coi”. Nhưng hồi ấy ông làm gì có tiền mua vé, mà chờ bà bầu xả giàn thì mất hết nửa tuồng, nên Thanh Sang nghĩ cách làm sao để coi được ngay từ đầu tuồng khi mới mở màn. Thế là ông lân la tới chỗ mấy anh đánh trống: “Anh để em đánh giùm cho”. Ờ, đánh hoài cũng mỏi tay, có thằng nhỏ chịu làm giùm thì cho nó làm. Thanh Sang đánh trống một hồi thì người ta bắt đầu kêu khiêng trống vô để chuẩn bị mở màn hát chính thức, vậy là cậu bé làng biển cũng lăng xăng trong đoàn người khiêng trống, lọt vô rạp dễ ợt. Cái trò này đã giúp Thanh Sang coi ké đã đời biết bao nhiêu vở diễn.

Và ấn tượng đầu tiên của cậu bé 12 tuổi là cái hôm đoàn Thanh Minh xuống hát, có con trai bà bầu tên Bảo Quốc mới 6, 7 tuổi mà lên sân khấu hát ngon lành. Cái tuồng Động rồng bí mật có kép Năm Nghĩa chồng bà bầu Thơ làm kỹ xảo tắm máu rồng được đồn đãi trước đó mấy ngày khiến bà con mê mẩn chộn rộn. Khi Thanh Sang được xem thì càng khoái Bảo Quốc rồi tự nhủ: “Ủa nó hát được kìa, mình cũng đi hát được không ta?”.
Vậy là 15 tuổi, giấc mơ thành hiện thực, khi giọng hát Thanh Sang vang trên bờ biển mỗi chiều vá lưới đã lọt vô tai của một ông bầu gánh hát tỉnh lẻ, ông đưa Thanh Sang đi. Chuyến đi mở đầu cho một giấc mộng đẹp nhưng cũng mở đầu cho những cơn ác mộng khác của cuộc đời và nghiệp dĩ.

*Anh kép nghèo đói lê đói lết

Đi gánh nhỏ, lại chưa có nghề, dĩ nhiên trước tiên phải đóng vai quân sĩ. Và những dạng “quần chúng” thế này hồi đó thường bị các nghệ sĩ “ngôi sao” ăn hiếp. Cú đầu, nói nặng nói nhẹ là chuyện thường. Hoặc phải xách tráp xách rương theo hầu. Hoặc khi gánh nước về tẩy trang thì mấy nghệ sĩ đàn anh đàn chị nói: “Để tao tẩy trước”. Lại lủi thủi đi gánh thùng nước khác về xài. Thanh Sang nói: “Ngay cả mấy ông nhạc sĩ cũng thị uy với tụi nhỏ. Muốn mấy ổng dợt cho ca đúng nhịp đúng đờn thì phải đấm bóp, làm sai vặt cho mấy ổng. Mà hồi xưa nhạc sĩ cứ đờn ai hát không được thây kệ, rớt nhịp ráng chịu. Còn bây giờ nhạc sĩ giỏi hơn, ai hát yếu thì mấy ổng vớt, đờn theo cho đúng”. Và khi bị ăn hiếp thì những anh quân sĩ ức quá chịu không nổi sẽ xảy ra đánh lộn với nghệ sĩ lớn. Vậy là bị bà bầu chửi, đuổi thẳng tay. Thanh Sang nói: “Tôi đánh lộn hoài, bị đuổi thì đi, chứ không thể chịu được người ta xúc phạm mình quá đáng. Nhịn thì nhịn, nhưng cũng phải có chừng mực thôi”. Hỏi tại sao nghệ sĩ lớn lại ăn hiếp người nhỏ, Thanh Sang lắc đầu: “Thì thấy nó có triển vọng, có thể cạnh tranh với mình”. Thực sự lúc ấy tuy Thanh Sang chưa đóng vai lớn nhưng giọng ca của ông đã hàm chứa một nội lực lớn, một triển vọng lớn mà người biết nghề đã linh cảm được.

Nhưng cái số phận cay đắng vẫn còn đeo theo Thanh Sang lâu lắm mới chịu nhả ra. Ông vô đoàn nào chừng vài tháng là đoàn thua lỗ, rã gánh. Cả chục đoàn như vậy. Đến nỗi có lần ông và vài người bạn quân sĩ tá túc trong một chòi canh, vì không tiền về quê. Đói quá, phải bắt cóc nhái làm thịt, rồi vô xóm xin được tô gạo, về chòi lượm cái thùng thiếc làm nồi mà nấu, húp cháo cầm hơi.

Cuối cùng ông quá giang xe về Sài Gòn, quẩn quanh đi tìm các đoàn hát xin vô làm gì cũng được miễn có hai bữa cơm mỗi ngày. Ông bầu hỏi: “Mày đã từng hát ở đâu?”. “Dạ, đã hát ở đoàn X, đoàn Y, đoàn Z…”. “Trời, mày hát ở đâu thì rã gánh ở đó. Thôi, số mày xui quá, tao không nhận đâu”. Cứ vậy mà đi lòng vòng Sài Gòn, đói lê đói lết… 7 năm trời xa mẹ xa quê, không có tiền đi xe về thăm dù chỉ một lần. Mẹ cũng chỉ biết con trai mình đi hát chứ không rõ nó trôi dạt nơi nào. Bặt vô âm tín. Mù mịt tương lai. Thắc thỏm nhớ thương. Cay đắng phũ phàng. Có lúc tưởng không chịu nổi…

Đến khi đoàn Thanh Hương - Hùng Minh mời Thanh Sang về hát, thì ông có cơ hội đóng chung với cô đào Thanh Hương lừng lẫy tiếng tăm. Vậy là cuộc đời Thanh Sang rẽ sang một hướng khác, bắt đầu thấy ánh sáng của hào quang.

Hoàng Kim


{[['']]}

News_ Ký ức Thanh Sang 1: Giấc ngủ trong căn nhà ma



Ở tuổi thất thập, NSƯT Thanh Sang viết hồi ký. Mới được mấy chục trang, nhưng ông vui vẻ chia sẻ với bạn đọc Thanh Niên những nội dung mà ông sẽ viết. Có rất nhiều chuyện trước nay ông chưa từng kể với báo chí, giờ nói ra thật bất ngờ...



Nghệ sĩ Thanh Sang lúc trẻ - Ảnh: Tư liệu

Nghệ sĩ Thanh Sang vai Tạ Tốn trong vở Cô gái Đồ Long, một trong những vai diễn để đời của ông - Ảnh: Tư liệu

Hỏi ông có phải viết hồi ký đang là “mốt” của các ngôi sao nên ông cũng vậy. Ông xua tay: “Tôi có cái tánh đó hồi nào đâu! Chỉ tại ngồi buồn nhớ lại bao nhiêu gian truân của đời mình, nên muốn ghi lại để con cháu có đứa nào để mắt coi thì coi, như một kinh nghiệm, một trường huấn luyện trau dồi”. Thực tế sức khỏe ông không tốt lắm, nên mỗi ngày ông chỉ viết tay được vài trang, thậm chí có hôm chẳng được trang nào. Và viết xong thì đưa cho bà vợ đọc giùm, viết lại. Bà Liễu không chỉ là vợ, là y tá, mà còn là bạn ông, nhớ vanh vách những năm tháng, những vai diễn, bạn diễn, để bổ sung cho chính xác. Bà lặng lẽ dìu chồng đi, đưa từng viên thuốc, gom từng trang bản thảo… Ông nhìn bà cười hài hước: “Tôi viết tháu lắm, bả viết lại cho đầu đuôi thứ tự, chữ nghĩa rõ ràng. Cho nên tui hổng dám chọc bả giận, bả bỏ luôn là tiêu à. Đồ mỏ nhọn, ủa, nhỏ mọn!”. Bà Liễu liếc ông, cũng bật cười. Thanh Sang là vậy, lúc đang thấy ông “nghiêm mặt” thì bất ngờ ông pha trò như thế.

*Miếng thịt bò đầu tiên

Thanh Sang sinh năm 1943, trong một gia đình làm nghề biển ở Bình Định. Ba ông mất khi ông mới 7 tuổi, bà mẹ dẫn 4 đứa con vào Long Hải, Bà Rịa sinh sống. Nhà chỉ mình ông là con trai, lại là trai út, nên từ nhỏ ông đã ý thức gánh vác trách nhiệm. Nhưng mấy mẹ con đã phải trải qua một thời gian nghèo khổ không tưởng tượng nổi. Ông nói: “Long Hải là xứ cá, cá rẻ như bèo, vậy mà nhà tôi không có cá ăn thì biết là nghèo cỡ nào. Tôi phải đi lượm những con cá nhỏ xíu rớt lại trên bờ biển sau khi thuyền ghe đi khỏi. 

Thậm chí lượm cả gà chết người ta quăng trên bãi. Gà mắc gió là họ bỏ, tôi coi con nào còn ngáp ngáp hoặc giãy giãy là cứ lượm về làm thức ăn cho cả nhà. Có lần biển động thuyền ghe không đi đánh bắt, tôi lang thang đi tìm mà trên bãi chẳng có con cá nào, chợt nhìn ra khơi thấy một khối gì to đùng như chiếc thùng tô nô, tôi mừng quá lội ra biển tính vớt cái thùng đem bán kiếm tiền. Ai ngờ đó là con bò chết. Cái lưng nó bắt đầu trương sình lên, nhưng 4 cái chân nhờ ngâm dưới làn nước biển nên còn tươi. Tôi lôi nó vô, xẻ lấy 4 cái đùi to về chia cho bà con trong xóm. Đó là lần đầu tiên tôi được ăn thịt bò, chừng 9 - 10 tuổi, nhớ mãi không quên”. Dĩ nhiên, ông nhớ trong nước mắt!


*Ma cũng thương người khổ

13 tuổi, ông đi gỡ lưới cá cho các chủ ghe để họ cho cá về ăn. Nhưng ông không hiểu sao ông cứ bị người ta hất tay ra, ăn hiếp. Rồi lâu dần cũng có việc làm ổn định. Rồi mẹ và các chị của ông đi làm mướn xa, bỏ ông ở lại Long Hải một mình, không có nổi một mái lá che thân. Người ta thương tình cho ở nhờ trong một căn nhà đổ nát mà dân quanh vùng rất sợ, cứ gọi đó là “nhà ma”. Chạng vạng là dân bu trước cổng nhà chờ coi ma hiện hình.
Ông ở bờ biển về, lập cập chui vô nhà khấn vái: “Mấy ông mấy bà khuất mặt khuất mày ơi, tui khổ lắm rồi, nhờ có căn nhà này để nương thân, đừng có nhát tui, tui sợ bỏ đi thì tui hổng biết ở đâu bây giờ!”. Khấn xong ông nằm chèo queo trên bộ ván, rồi chìm vào giấc ngủ, chẳng có ma cỏ gì xảy ra. Ông bồi hồi: “Ma cũng biết thương người nghèo khổ chứ!”.

*Tô hủ tiếu... lạt nhách

Vì quá nghèo nên ký ức Thanh Sang còn ấn tượng rất mạnh với mỗi món ăn thời thơ ấu. Ông nói: “Năm đó tôi 9 tuổi, nghe người ta nói hủ tiếu ngon lắm, mà mình hổng biết nó ngon ra làm sao. Bà già tôi thương tình cho 5 cắc đi ăn hủ tiếu. Tôi chạy một hơi ra quán, kêu một tô, nhưng mới ăn vào thì… chưng hửng. Ủa, sao nó lạt nhách vậy trời? Chủ quán đó là hai anh em người Tàu, tôi hỏi ổng: “Sao lạt vậy chú?”. Ông em nói: “Mầy xịt nước tương vô!”. Tôi xịt. Cũng lạt nữa! Tôi lại xịt. Ủa, cũng lạt! Tôi xịt riết hết luôn chai nước tương. Ông anh la lên: “Ha, mầy xịt hết trơn chai nước tương của tao rồi!”. Tôi bèn cắm cúi ăn cho hết tô, mà thiệt tình cứ thấy nó lạt hoài. Chắc tại mình dân biển, ăn mặn quen rồi, nên chai nước tương không đủ đô!”.

Lần đầu tiên Thanh Sang ăn phở là năm 1961, lúc đang ở Nha Trang. Ông vừa bưng tô phở lên thì nghe radio phát tin đảo chính hụt Ngô Đình Diệm, rồi bắt ai, bắt ai… Ông cười: “Đến ăn thôi mà tôi cũng có “sự kiện” kèm theo! Nhớ vanh vách luôn”.

Nhưng bây giờ ông đã thoát qua cảnh khổ, nhà cửa khang trang. Ông đang xây một biệt thự xinh xắn trong khuôn viên 1.600 m2 ven bờ sông Sài Gòn, an dưỡng tuổi già. Trời đất đã đền bù cho một quãng đời khốn khó không tưởng tượng nổi.


Hoàng Kim


{[['']]}

News - NSUT Vũ Linh & NSUT Thanh Sang





Cuộc trò chuyện kể về mối thâm tình giữa NSUT VŨ LINH & NSUT  THANH SANG. 
Câu chuyện được ghi nhận và chia sẻ bởi Soạn Giả Văn Tiên trên diễn đàn Vulinh.net
Chỉnh sửa hình ảnh bởi fancailuong






{[['']]}

TỔNG HỢP CẢI LƯƠNG ĐÃ ĐĂNG





BAO CÔNG XỬ ÁN ANH EM SONG SINH - VŨ LINH, KIM TỬ LONG, NGỌC HUYỂN
BẢY CON YÊU NHỀN NHỆN - MINH PHỤNG, LỆ THỦY
CHIẾC ÁO LONG PHỤNG - MỸ CHÂU, MINH VƯƠNG
CHỒNG CỦA MẸ TÔI - TRỌNG PHÚC, THANH NGÂN
CHUYỆN TÌNH AN LỘC SƠN - THANH SANG, LỆ THỦY
CỬU TUYỀN LAI SINH - VŨ LINH, PHƯỢNG HẰNG, NGỌC ĐÁNG
ĐỒ LONG Ỷ THIÊN KIẾM - VŨ LINH, NGỌC HUYỀN, TÀI LINH, THOẠI MỸ






KIM VÂN KIỀU - VŨ LINH, THÙY DUNG, THANH THANH TÂM
KIM VÂN KIỀU (CUNG THƯƠNG SẦU NGUYỆT HẠ) - BẠCH TUYẾT
LIVESHOW ĐÊM TRI ÂN - VŨ LINH
LIVESHOW ĐƯỜNG VỀ SAN HẬU - VŨ LINH, CHÍ LINH
LIVESHOW NGƯỜI ĐƯA ĐÒ 4 - VŨ LINH
LƯƠNG SƠN BÁ CHÚC ANH ĐÀI - TÀI LINH, VŨ LINH

NHỮ MINH MINH CÔNG CHÚA - LỆ THỦY, VŨ LINH, NGỌC HUYỀN

PHÀN LÊ HUÊ 1: PHÁ HỒNG THỦY TRẬN - VŨ LINH, NGỌC HUYỀN
PHÀN LÊ HUÊ 2: TIẾT ĐINH SAN CẦU PHÀN LÊ HUÊ - VŨ LINH, NGỌC HUYỀN
PHÀN LÊ HUÊ 3: THẦN NỮ DÂNG NGŨ LINH KỲ - VŨ LINH, TÀI LINH
PHÀN LÊ HUÊ 4: PHÁ NGŨ LONG TRẬN - VŨ LINH, TÀI LINH
PHỤNG NGHI ĐÌNH - LIÊN HOÀN KẾ - TÀI LINH, KIM TỬ LONG
QUAN ÂM TÓC RỐI - THANH KIM HUỆ, THANH THANH TÂM, CHÂU THANH, CẨM TIÊN

SAN HẬU (CŨ) - MINH PHỤNG, VŨ LINH, PHƯỢNG LIÊN
SỞ VÂN CỨU GIÁ - MINH VƯƠNG, MỸ CHÂU
SỞ VÂN CƯỚI VỢ - MINH PHỤNG, MỸ CHÂU
TÂM SỰ LOÀI CHIM BIỂN - MINH PHỤNG, LỆ THỦY
TÂY THI GÁI NƯỚC VIỆT - LỆ THỦY, MINH PHỤNG
TÂY THIÊN VŨ KHÚC - VŨ LINH
TIÊU ANH PHỤNG - MINH PHỤNG, MỸ CHÂU
TỈNH GIẤC LIÊU TRAI - VŨ LINH, PHƯỢNG MAI, CHÍ LINH
THẦN NỮ DÂNG NGŨ LINH KỲ - VŨ LINH, TÀI LINH, THANH TÒNG
THẤT TINH MAI - VŨ LINH, TÀI LINH
TRIỆU PHI LOẠN YÊN BANG - VŨ LINH, THANH TÒNG, QUẾ TRÂN
TỨ HỶ LÂM MÔN - VŨ LINH, KIM TỬ LONG, NGỌC HUYỀN, NGÂN HUỆ



XA PHU ĐI SỨ - VŨ LINH, TÀI LINH
XA PHU ĐI SỨ (LIVE 1999) - VŨ LINH, TÀI LINH
XỬ ÁN BÀNG QUÝ PHI 2000 - VŨ LINH, TÀI LINH, CHÍ LINH, THANH TÒNG,


{[['']]}

CHUYỆN TÌNH AN LỘC SƠN


http://fancailuong.blogspot.com/p/blog-page_12.html

http://fancailuong.blogspot.com/2016/02/tong-hop-download-cai-luong-ho-quang.html


SOẠN GIẢ : VIỄN CHÂU
DIỄN VIÊN: Minh Vương, Lệ Thủy, Thanh Sang, Phượng Liên, Hoài Thành
GIỚI THIỆU NỘI DUNG:
Sau cái chết của Võ Huệ Phi, Đường Minh Hoàng chán nản bày ra 3000 thẻ bạc viết tên 3000 cung nhân phi tần, mỗi ngày rút ra một thẻ gặp tên ai thì Vua ngự ở cung đó. Lợi dụng chức Tổng Quản, thái giám Triệu Quân Tường lén tráo 3000 thẻ bạc chỉ một tên Mai Phi Tiểu Loan. Tường liều mạng do một động cơ duy nhất là làm cô gái mình thầm yêu ở Hoàng Mai Thôn toại nguyện.
Nhưng chỉ 30 ngày hưởng ân vũ lộ, Học sĩ Dương Quốc Trung tìm mọi cách cho em mình là Dương Thái Chân diện kiến Huyền Tôn Đường Minh Hoàng khiến lòng xuân nhà vua sống lại và sủng ái Thái Chân rồi phong nàng làm quý phi. Trong khi đó, Thái Chân cùng dũng tướng An Lộc Sơn đã lén lút tư tình. Quân Tường không thể ở lại chứng kiến người mình yêu đau khổ nên bỏ quan trốn về quê. Tiểu Loan biết được chuyện tình của An Lộc Sơn và Thái Chân, nhân lúc họ gặp nhau, nàng mưu báo cho vua đến bắt nhưng nhờ Dương Quốc Trung hay kịp đến cứu được  An Lộc Sơn trốn thoát. Mai Phi bị biếm lãnh cung còn An Lộc Sơn bị vua cho ra Bình Lư làm Tiết độ sứ để chia cách hai người.
Căm hận tình yêu, An Lộc Sơn dấy loạn khiến vua và triều thần phải chạy về Ba Thục. Đến Mã Ngôi, quân binh nổi loạn đòi giết chết toàn gia thừa tướng Dương Quốc Trung mới chịu đưa vua về Ba Thục... Dương Quý Phi cũng tự sát và An Lộc Sơn đuổi theo đến nơi thì chỉ còn ôm cái sát vô tri của người yêu mà than khóc
{[['']]}

YOUTUBE

LIKE FACEBOOK

Video Đề xuất

 
Support : Creating Website | Ngọc Hậu | Cải Lương
Copyright © 2016. CẢI LƯƠNG - All Rights Reserved
Template Created by Creating Website Published by Ngọc Hậu
Proudly powered by fancailuong