{[['']]}
Ở tuổi thất thập, NSƯT Thanh Sang viết hồi ký. Mới được mấy chục trang, nhưng ông vui vẻ chia sẻ với bạn đọc Thanh Niên những nội dung mà ông sẽ viết. Có rất nhiều chuyện trước nay ông chưa từng kể với báo chí, giờ nói ra thật bất ngờ...
Nghệ sĩ Thanh Sang lúc trẻ - Ảnh: Tư liệu
Nghệ sĩ Thanh Sang vai Tạ Tốn trong vở Cô gái Đồ Long, một trong những vai diễn để đời của ông - Ảnh: Tư liệu
Hỏi ông có phải viết hồi ký đang là “mốt” của các ngôi sao nên ông cũng vậy. Ông xua tay: “Tôi có cái tánh đó hồi nào đâu! Chỉ tại ngồi buồn nhớ lại bao nhiêu gian truân của đời mình, nên muốn ghi lại để con cháu có đứa nào để mắt coi thì coi, như một kinh nghiệm, một trường huấn luyện trau dồi”. Thực tế sức khỏe ông không tốt lắm, nên mỗi ngày ông chỉ viết tay được vài trang, thậm chí có hôm chẳng được trang nào. Và viết xong thì đưa cho bà vợ đọc giùm, viết lại. Bà Liễu không chỉ là vợ, là y tá, mà còn là bạn ông, nhớ vanh vách những năm tháng, những vai diễn, bạn diễn, để bổ sung cho chính xác. Bà lặng lẽ dìu chồng đi, đưa từng viên thuốc, gom từng trang bản thảo… Ông nhìn bà cười hài hước: “Tôi viết tháu lắm, bả viết lại cho đầu đuôi thứ tự, chữ nghĩa rõ ràng. Cho nên tui hổng dám chọc bả giận, bả bỏ luôn là tiêu à. Đồ mỏ nhọn, ủa, nhỏ mọn!”. Bà Liễu liếc ông, cũng bật cười. Thanh Sang là vậy, lúc đang thấy ông “nghiêm mặt” thì bất ngờ ông pha trò như thế.
*Miếng thịt bò đầu tiên
Thanh Sang sinh năm 1943, trong một gia đình làm nghề biển ở Bình Định. Ba ông mất khi ông mới 7 tuổi, bà mẹ dẫn 4 đứa con vào Long Hải, Bà Rịa sinh sống. Nhà chỉ mình ông là con trai, lại là trai út, nên từ nhỏ ông đã ý thức gánh vác trách nhiệm. Nhưng mấy mẹ con đã phải trải qua một thời gian nghèo khổ không tưởng tượng nổi. Ông nói: “Long Hải là xứ cá, cá rẻ như bèo, vậy mà nhà tôi không có cá ăn thì biết là nghèo cỡ nào. Tôi phải đi lượm những con cá nhỏ xíu rớt lại trên bờ biển sau khi thuyền ghe đi khỏi.
Thậm chí lượm cả gà chết người ta quăng trên bãi. Gà mắc gió là họ bỏ, tôi coi con nào còn ngáp ngáp hoặc giãy giãy là cứ lượm về làm thức ăn cho cả nhà. Có lần biển động thuyền ghe không đi đánh bắt, tôi lang thang đi tìm mà trên bãi chẳng có con cá nào, chợt nhìn ra khơi thấy một khối gì to đùng như chiếc thùng tô nô, tôi mừng quá lội ra biển tính vớt cái thùng đem bán kiếm tiền. Ai ngờ đó là con bò chết. Cái lưng nó bắt đầu trương sình lên, nhưng 4 cái chân nhờ ngâm dưới làn nước biển nên còn tươi. Tôi lôi nó vô, xẻ lấy 4 cái đùi to về chia cho bà con trong xóm. Đó là lần đầu tiên tôi được ăn thịt bò, chừng 9 - 10 tuổi, nhớ mãi không quên”. Dĩ nhiên, ông nhớ trong nước mắt!
Thậm chí lượm cả gà chết người ta quăng trên bãi. Gà mắc gió là họ bỏ, tôi coi con nào còn ngáp ngáp hoặc giãy giãy là cứ lượm về làm thức ăn cho cả nhà. Có lần biển động thuyền ghe không đi đánh bắt, tôi lang thang đi tìm mà trên bãi chẳng có con cá nào, chợt nhìn ra khơi thấy một khối gì to đùng như chiếc thùng tô nô, tôi mừng quá lội ra biển tính vớt cái thùng đem bán kiếm tiền. Ai ngờ đó là con bò chết. Cái lưng nó bắt đầu trương sình lên, nhưng 4 cái chân nhờ ngâm dưới làn nước biển nên còn tươi. Tôi lôi nó vô, xẻ lấy 4 cái đùi to về chia cho bà con trong xóm. Đó là lần đầu tiên tôi được ăn thịt bò, chừng 9 - 10 tuổi, nhớ mãi không quên”. Dĩ nhiên, ông nhớ trong nước mắt!
*Ma cũng thương người khổ
13 tuổi, ông đi gỡ lưới cá cho các chủ ghe để họ cho cá về ăn. Nhưng ông không hiểu sao ông cứ bị người ta hất tay ra, ăn hiếp. Rồi lâu dần cũng có việc làm ổn định. Rồi mẹ và các chị của ông đi làm mướn xa, bỏ ông ở lại Long Hải một mình, không có nổi một mái lá che thân. Người ta thương tình cho ở nhờ trong một căn nhà đổ nát mà dân quanh vùng rất sợ, cứ gọi đó là “nhà ma”. Chạng vạng là dân bu trước cổng nhà chờ coi ma hiện hình.
Ông ở bờ biển về, lập cập chui vô nhà khấn vái: “Mấy ông mấy bà khuất mặt khuất mày ơi, tui khổ lắm rồi, nhờ có căn nhà này để nương thân, đừng có nhát tui, tui sợ bỏ đi thì tui hổng biết ở đâu bây giờ!”. Khấn xong ông nằm chèo queo trên bộ ván, rồi chìm vào giấc ngủ, chẳng có ma cỏ gì xảy ra. Ông bồi hồi: “Ma cũng biết thương người nghèo khổ chứ!”.
*Tô hủ tiếu... lạt nhách
Vì quá nghèo nên ký ức Thanh Sang còn ấn tượng rất mạnh với mỗi món ăn thời thơ ấu. Ông nói: “Năm đó tôi 9 tuổi, nghe người ta nói hủ tiếu ngon lắm, mà mình hổng biết nó ngon ra làm sao. Bà già tôi thương tình cho 5 cắc đi ăn hủ tiếu. Tôi chạy một hơi ra quán, kêu một tô, nhưng mới ăn vào thì… chưng hửng. Ủa, sao nó lạt nhách vậy trời? Chủ quán đó là hai anh em người Tàu, tôi hỏi ổng: “Sao lạt vậy chú?”. Ông em nói: “Mầy xịt nước tương vô!”. Tôi xịt. Cũng lạt nữa! Tôi lại xịt. Ủa, cũng lạt! Tôi xịt riết hết luôn chai nước tương. Ông anh la lên: “Ha, mầy xịt hết trơn chai nước tương của tao rồi!”. Tôi bèn cắm cúi ăn cho hết tô, mà thiệt tình cứ thấy nó lạt hoài. Chắc tại mình dân biển, ăn mặn quen rồi, nên chai nước tương không đủ đô!”.
Lần đầu tiên Thanh Sang ăn phở là năm 1961, lúc đang ở Nha Trang. Ông vừa bưng tô phở lên thì nghe radio phát tin đảo chính hụt Ngô Đình Diệm, rồi bắt ai, bắt ai… Ông cười: “Đến ăn thôi mà tôi cũng có “sự kiện” kèm theo! Nhớ vanh vách luôn”.
Nhưng bây giờ ông đã thoát qua cảnh khổ, nhà cửa khang trang. Ông đang xây một biệt thự xinh xắn trong khuôn viên 1.600 m2 ven bờ sông Sài Gòn, an dưỡng tuổi già. Trời đất đã đền bù cho một quãng đời khốn khó không tưởng tượng nổi.
Trân trọng một nghệ sĩ tài hoa. Tuổi thơ đầy sóng gió đã tôi luyện cho Ông ý chí và nghị lực phi thường để vươn lên trong cuộc sống.
ReplyDeleteÔng đã lấy đi nước mắt của bao khán giả qua từng câu, từng chữ, từng cái khoát tay.
Hãy cho cháu được làm một người bạn vong niên Ông nhé.