Thưa quý thính giả, trong thập niên 60,
nhiều nghệ sĩ trẻ chỉ cần có một giọng ca vọng cổ độc đáo là có thể trong một
thời gian ngắn trở thành một nghệ sĩ nổi tiếng và có thể ký contrat hát độc quyền
cho một gánh hát hay cho một hãng dĩa.
Số tiền contrat được ký đến vài trăm
ngàn đồng trở lên; số tiền lương cho một suất hát cũng được lãnh vài ngàn đồng.
Nghệ sĩ Minh Phụng là một trong những
nghệ sĩ ngôi sao trong thời hoàng kim của cải lương.
Nghệ sĩ Minh Phụng tên thật là Nguyễn
Văn Hoài, sanh năm 1945, tại làng Điều Hòa, quận Châu Thành, tỉnh Mỹ Tho, cha mẹ
làm nghề thương buôn nhỏ trong chợ Mỹ Tho.
Em Hoài là con nhà nghèo, có tới 10 anh
chị em. Khi còn nhỏ em Hoài phải thức dậy sớm từ lúc bốn giờ sáng, phụ giúp mẹ
em dọn cá ra chợ bán, sau đó mới cắp sáchđến trường. Nhiều khi tới trường trễ
vì bận phụ với mẹ dọn hàng ra chợ, em bịthầy bắt phạt quỳ cột cờ, em chỉ biết
khóc chớ không dám nói thật hoàn cảnh của gia đình em đã khiến cho em bê trễ
trong việc học.
Những buổi chiều, sau khi ở trường về,
em Hoài còn phải đi bán chuối chiên hay đậu phộng rang, đến tối mới được về nhà
học bài. Em Hoài có giọng ca tốt, mỗi khi trong xóm có cuộc đờn ca tài tử, em
thường đến nghe, học lóm vài bài ca và em ca góp vui.
Chú Tư Xuân ở hàng xóm biết đờn cổ nhạc,
thấy em Hoài có giọng tốt và tánh tình dễthương nên ông dạy cho bé Hoài ca vọng
cổ. Bé Hoài ca tân nhạc cũng khá hay, em ca các bài học được ở đài phát thanh
hay trong máy hát dĩa trong xóm như bài Trăng Rụng Xuống Cầu, Khúc Ca Ngày Mùa,
Gạo Trắng Trăng Thanh…
Năm 1960, đoàn hát Tân Đô tập tuồng tại
đình Điều Hòa ở sau chợ Mỹ Tho. Em Hoài vôđình xem tập tuồng, gặp soạn giả
Hương Huyền Em, Hoài ca thử vài câu vọng cổ,em được soạn giả Hương Huyền Em dẫn
đến giới thiệu với ông bầu Công Tạo. Em Hoài được nhận vào đoàn hát, và được
cho thủ diễn vai hát đầu tiên là vai hòa thượng trong tuồng Bến Tan Thương.
Sauđó em Hoài đi hát cho đoàn Hoa Thảo –
Hậu Tấn, rồi đoàn hát Thanh Phương. Trong tuồng Bên Cầu Định Mệnh, em Hoài được
đóng vai dũng sĩ Ai Dũng Phương. Nhân dịp nầy em Hoài tự đặt nghệ danh là Minh
Phụng, lấy tên của hai đứa cháu gái của cô bạn gái của Hoài là Minh và Phụng,
ghép lại thành nghệ danh Minh Phụng mà em sửdụng cho đến khi mãn nghiệp cầm ca.
Từ nhắc tuồng hằng đêm
Cuối năm 1964, nghệ sĩ Minh Phụng được
ông bầu Ba Bản đoàn cải lương Thủ Đô ký hợp đồng mời về hát trên sân khấu Thủ
Đô; lúc đó đoàn hát đang có hai nghệ sĩ tài danh Út Trà Ôn và Thanh Hải trong
hai vai kép chánh và kép nhì, Minh Phụng được cho giữ nhiệm vụ nhắc tuồng hàng
đêm.
Ý của ông Bầu Ba Bản là tuy Minh Phụng
ca vọng cổ rất mùi, giọng ca thanh và trong trẻo, nhưng Minh Phụng chưa biết diễn
xuất và chưa biết nhiều bài bản cải lương nên cần phải đào luyện Minh Phụng một
thời gian.
Giao việc nhắc tuồng hàng đêm cho Minh
Phụng là bắt Minh Phụng mỗi đêm đều phải học nhiều vai tuồng và đứng trong cánh
gà nhắc tuồng, Minh Phụng sẽ theo dõi học hỏi cách diễn xuất của các nghệ sĩ
đàn anh Út Trà Ôn, Hoàng Giang, Ba Vân, Thanh Hải…
Minh Phụng đã học thuộc những vai tuồng
của Út Trà Ôn và Thanh Hải trong các tuồngSầu Quan Ải, Tiếng Trống Sang Canh,
Thần Nữ Dâng Ngũ Linh Kỳ, Cát Dung Phương Tử,và đã được ông bầu Ba Bản cho thế
các vai tuồng của anh Út Trà Ôn hoặc của Thanh Hải những khi đoàn hát hát hai
suất hoặc các nghệ sĩ kể trên bị bệnh, bất ngờ nghỉ hát.
Nghệ sĩ Minh Phụng được sử dụng như kép
sơ cua nhưng vì Minh Phụng còn quá trẻ, đóng thay vai cho các nghệ sĩ đàn anh
mà vẫn được khán giả chấp nhận, điều đó làm cho các ký giả kịch trường chú ý và
viết nhiều bài ngợi khen Minh Phụng.
Ông Bầu Trần Viết Long đoàn Kim Chung biết
Minh Phụng có giọng ca vọng cổ rất mùi, tuy Minh Phụng chưa nổi danh nhưng ông
vẫn cho người theo dõi từng bước tiến của Minh Phụng và xem những đêm hát thế
vai của Minh Phụng để đo lường sự thưởng thức của khán giả.
Khi thấy báo chí kịch trường có nhiều
bài viết khen Minh Phụng, ông lại biết tin nghệ sĩ Út Trà Ôn ký hợp đồng về hát
trở lại cho đoàn Thanh Minh Thanh Nga và nghệ sĩ Thanh Hải ký hợp đồng với ông
bầu Thu An để về hát cho đoàn Hương Mùa Thu, bầu Long lập tức mời Minh Phụng ký
hợp đồng hát cho đoàn Kim Chung với sốtiền ba trăm ngàn đồng trong hai năm;
lương đêm mỗi suất hát 700 đồng.
Đến “cặp Bão Biển đang dâng cao”
Đang là người nhắc tuồng cho đoàn Thủ
Đô, bổng dưng Minh Phụng được hưởng một giao kèo quá hậu hỉ, anh lập tức rời
đoàn Thủ Đô Ba Bản để hát cho đoàn Kim Chung 3 của bầu Long. Ông Ba Bản vừa mất
hai nghệ sĩ tài danh Út Trà Ôn và Thanh Hải, nếu muốn giữ Minh Phụng ở lại thì
ông phải đền contrat của Minh Phụng ký với bầu Long là 600.000 đồng tức là gấp
đôi số tiền mà Minh Phụng nhận được của ông bầu Long.
Ông Ba Bản không thể để cho Bầu Long
trong một vài ngày mà lời đến ba trăm ngàn đồng căn cứ theo hợp đồng của ông ký
với Minh Phụng nên ông Ba Bản chịu để mất Minh Phụng, thay vào đó ông ký hợp đồng
với nghệ sĩ Tấn Tài để mời về thế vai cho nghệ sĩ Út Trà Ôn.
Năm 1970, Ông bầu Trần Viết Long đã bố
trí cho nghệ sĩ Minh Phụng hát chánh với các nữ nghệ sĩ Mỹ Châu, (tuồng Bích
Vân Cung Kỳ Án), Minh Phụng và Út Bạch Lan tuồng Trinh Tiết Một Loài Hoa, Minh
Phụng hát với Diệu Hiền, Minh Phụng hát với Lệ Thủy…Khi Minh Phụng diễn cặp với
nữ nghệ sĩ Lệ Thủy các tuồng Xin Một Lần Yêu Nhau, Kiếp nào có yêu nhau, Hoa
Sơn Thần Nữ, Băng Tuyền Nữ Chúa, Tâm Sự Loài Chim Biển…khán giả đến xem nghẹt rạp,
sự thành công của Minh Phụng và Lệ Thủy quá sự mong đợi của ông bầu Long. Các
ký giả kịch trường tặng mỹ hiệu cho hai diễn viên Minh Phụng và Lệ Thủy là cặp
Bão Biển đang dâng cao.
Sau năm 1975, Minh Phụng cũng như tất cả
các nghệ sĩ cải lương ở Saigon phải do sựsắp xếp của chánh quyền mới, họ cho
phép nghệ sĩ nào hát ở đoàn cải lương nào chớ nghệ sĩ không thể tự mình chọn
đoàn hát hay có chuyện ký hợp đồng với bầu gánh hát như hồi xưa vì lúc nầy các
gánh hát đều có một người bầu duy nhứt là chánh phủ, mà đại diện ông bầu chánh
phủ đó là các ông Giám đốc Sở Văn Hóa Thông Tin từng tỉnh.
Năm 1976, Nghệ sĩ Minh Phụng được bố trí
cho hát ở đoàn Hương Mùa Thu của soạn giảkiêm trưởng đoàn hát Thu An. Minh Phụng
hát các vở tuồng cũ của đoàn Hương Mùa Thu như Gánh Cỏ Sông Hàn, Con Cò Trắng
và một vở tuồng mới Lửa Phi Trường….Nữnghệ sĩ Kiều Tiên cũng hát cho đoàn Hương
Mùa Thu. Minh Phụng và Kiều Tiên yêu nhau và thành hôn năm 1977. Cuối năm 1977,
Kiều Tiên sanh ra một gái, đặt tên là Nguyễn Võ Kiều Mỹ Thế, sau này là nữ ca
sĩ Y Phụng.
Cũng cần nói rõ trước năm 1975, khi hát
trên sân khấu Kim Chung, nghệ sĩ Minh Phụng và nữ nghệ sĩ Diệu Huê chung sống vợ
chồng, có với nhau ba con, một gái và hai trai. Năm 1976, không hiểu do nguyên
nhân nào mà vợ chồng nghệ sĩ Minh Phụng và Diệu Huê chia tay nhau. Nữ nghệ sĩ
Diệu Huê nuôi ba đứa con. Cô con gái lớn của Minh Phụng và Diệu Huê sau này trở
thành nữ danh ca với nghệ danh là Tiểu Phụng.
Hai cô Tiểu Phụng và Y Phụng đều có chồng
Việt Kiều nên đi định cư ở Hoa Kỳ với chồng.
Nghệsĩ Minh Phụng phải giải phẩu tim vào
năm 2005. Anh bị suy thận nên phải lọc máu mỗi tuần lễ ba lần. Sáng ngày 16
tháng 11 năm 2008, Minh Phụng phải nhập viện cứu cấp và anh đã từ giã cuộc đời
vào sáng ngày 29 tháng 11 năm 2008 tại bệnh viện Chợ Rẩy.
Một số đông đảo nghệ sĩ bạn đồng nghiệp
và khán giả ái mộ đã đến viếng linh cữu và tiễn đưa nghệ sĩ Minh Phụng đến nơi
phần mộ. Cố nghệ sĩ Minh Phụng được an táng tại nghĩa trang nghệ sĩ Gò Vấp.
Thưa quý thính giả, chương trình cổ nhạc
xin chấm dứt, Nguyễn Phương xin hẹn vào giờ nầy tuần sau.
(Theo Nguyễn Phương)