{[['']]}
Hồi Ký Thanh Sang 5: 'Đói cũng đừng bỏ cải lương!'
Khi ngồi lục lại ký ức để viết hồi ký, NSƯT Thanh Sang cũng bồi hồi nhớ một giai đoạn thăng trầm của cải lương. Có lúc rực rỡ huy hoàng, cũng có lúc khủng hoảng ghê gớm và đời nghệ sĩ của ông cũng lên xuống với nghiệp tổ…
*“Chiến đấu” với phim Hồng Kông
Khoảng 1968 đến 1970-1972, chiến tranh lan tràn trên dải đất miền Trung, cải lương cũng bị thương tổn rất lớn. Bởi miền Trung là đất sống của cải lương không thua gì miền Nam. Các đoàn thường kéo ra miền Trung biểu diễn khi miền Nam vào mùa mưa. Khán giả miền Trung mê cải lương cho đến tận bây giờ. Nhưng “mùa hè đỏ lửa” ấy đã khiến họ tan tác vì sống chết, mưu sinh, ai còn tâm trí đi coi cải lương. Bởi thế các đoàn án binh bất động, hoặc loay hoay ở phía nam.
Mà phía nam lúc này đang bị làn sóng phim Hồng Kông chiếm lĩnh, khán giả mê mẩn với một trào lưu nghệ thuật mới mẻ, trút tiền đi xem phim, dĩ nhiên cải lương đìu hiu thêm nữa. Nội công ngoại kích, các đoàn nhỏ đoàn tỉnh rã gánh liên tục. Còn lại một số khác thì chỉ còn hát đình hát miếu, hát chợ, hát sân banh... Che bạt mà hát. Dã chiến mà hát. Một số đoàn lớn mới bám trụ được ở các rạp nổi tiếng. Nhưng khổ, các rạp giờ cũng trưng dụng để chiếu phim, ngay cả rạp Nguyễn Văn Hảo lẫy lừng mà bà bầu Thơ thường hợp đồng cũng nhường đất cho phim ảnh. Cải lương chỉ còn bám víu vào rạp Hưng Đạo, Quốc Thanh, Thủ Đô…
Nghệ sĩ tan tác như gà con lạc mẹ nhưng kiên quyết không bỏ nghề, rã gánh thì đi tìm gánh khác nhập vô. Loay hoay thì cuối cùng vẫn ăn cơm tổ. Thanh Sang lúc đó đang hát cho đoàn Dạ Lý Hương của ông bầu Xuân, thường đóng vai nhì, chứ vai chánh đã có Bạch Tuyết, Hùng Cường, Ngọc Giàu, Thành Được. Lâu lâu ông cũng đóng chánh một lần. Nhưng danh tiếng của huy chương vàng Thanh Tâm vai Tạ Tốn thì vẫn còn sáng rực.
*Phục hồi rực rỡ
Vài năm sau, người ta xem phim Hồng Kông mãi cũng chán, thế là quay lại với cải lương. Nghệ sĩ tên tuổi vẫn còn hoạt động nên khi cải lương phục hồi thì rất nhanh rất dễ. Thậm chí nhà đầu tư còn mở thêm rạp mới như Thăng Long (đường Cống Quỳnh), Đại Đồng (đường Cao Thắng), Kim Châu (đường Nguyễn Thái Bình), Đại Nam (đường Trần Hưng Đạo). Các rạp này nằm ngay mặt tiền của khu trung tâm nên khán giả kéo tới nườm nượp. Cải lương mang một diện mạo sáng sủa hẳn ra.
Thanh Nga và Thanh Sang trong vở Tiếng trống Mê Linh
Nhưng khó khăn thời chiến vẫn còn kéo dài chưa hết. Chính quyền Sài Gòn ra lệnh giới nghiêm từ 10 giờ rưỡi tối, ai ra đường là bị xét hỏi lôi thôi. Vậy thì làm sao khán giả đi coi cải lương được thoải mái. Cải lương thường bắt đầu từ 8 giờ, tuồng nào cũng dài xêm xêm 3 tiếng đồng hồ, hát xong vãn tuồng đã 11 giờ, còn đi xe về nhà nữa, quá giờ giới nghiêm là cái chắc. Phải tính sao cho người ta vẫn chịu mua vé chứ. Thế là mấy đoàn hát đôn giờ lên, 7 giờ rưỡi mở màn, và cắt bớt tuồng tích cho ngắn gọn. Kể cũng tiếc, vì cải lương là phải nghe ca mới đã, giờ bắt đào kép bớt ca thì họ ấm ức mà khán giả cũng khó chịu. Nhưng bắt buộc phải làm như thế để tồn tại. Cũng may, các tác giả đều viết được những tuồng hay nên dù có cắt bớt vẫn thấy hay. Chẳng hạn Tuyệt tình ca, Tiếng hạc trong trăng, Cô gái Đồ Long, Tần Nương Thất... Khán giả nhiều người coi cả chục lần, riết họ thuộc lòng chi tiết, bài bản, cắt đoạn nào, bài nào là họ biết liền, nhưng rồi phải thông cảm cho cải lương thôi chứ biết sao.
Cầm cự với chiến tranh như thế, cho đến ngày 30.4.1975 thì miền Nam giải phóng. Thật sự giai đoạn này mới là lúc cải lương rực rỡ hơn bao giờ hết. Dù là các ông bà bầu phải đem gánh hát của mình vô đăng ký với nhà nước để trở thành đơn vị cải lương tập thể bên cạnh những đơn vị cải lương “quốc doanh” như Nhà hát Trần Hữu Trang, nhưng lực lượng đào kép lại rất hùng hậu và tuồng tích nghiêm túc chuẩn mực, khán giả mua vé muốn bể rạp, thậm chí vé chợ đen hoạt động tưng bừng. Bởi có đến 3 lực lượng nghệ sĩ cùng phối hợp nhau biều diễn, một là nghệ sĩ tại Sài Gòn, hai là nghệ sĩ từ trong chiến khu ra, ba là nghệ sĩ tập kết ra Bắc nay trở về. Bao nhiêu đoàn nổi tiếng như Sài Gòn 1, Sài Gòn 2, Sài Gòn 3, Phước Chung, Văn công TP.HCM, Thanh Nga, Huỳnh Long… với các vở Tiếng trống Mê Linh, Bên cầu dệt lụa, Dương Vân Nga, Nàng Xê Đa, Ngao Sò Ốc Hến, Tìm lại cuộc đời, Khách sạn hào hoa, Ánh lửa rừng khuya, Người ven đô… gây ấn tượng mạnh mẽ cho người xem mãi tận bây giờ. Thanh Sang bồi hồi: “Hồi mới giải phóng tuy lãnh lương theo kiểu bao cấp, nghệ sĩ chúng tôi không giàu có như trước, nhưng hát rất vui vì khán giả đông lắm, nghe từng lời từng chữ. Bây giờ cuộc sống thoải mái hơn nhưng khán giả lại ít đến rạp, có lẽ do họ có quá nhiều thú vui, như phim ảnh, internet. Chỉ khi nào làm một chương trình như gia đình Bảo Quốc đã làm, với Tiếng trống Mê Linh, Bên cầu dệt lụa, Nửa đời hương phấn, quy tụ đông đảo nghệ sĩ tài danh cùng một lúc thì người ta mới chịu mua vé”.
*“Tổ không phụ người làm nghề tử tế đâu”
Thanh Sang biết cuộc sống mỗi ngày mỗi thay đổi, và bây giờ cải lương gặp rất nhiều khó khăn. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều khán giả trung thành với cải lương, không bỏ cải lương. Vậy thì nghệ sĩ cũng nên cố gắng giữ lấy cái nghề, bởi dường như đó đã là cái nghiệp mà tổ cho mình, tổ chọn mình, thì mình ráng mà đi cho trọn con đường. Ông nói: “Thời nào mà không có người đói. Hồi đó tôi lưu lạc ở Sài Gòn, gánh cũ thì rã, gánh mới không nhận, muốn về quê thì túi không tiền, mà bụng đói muốn xỉu. Tôi lân la đến mấy quán ăn, xin vô rửa chén không công, chỉ cần họ cho ngày mấy bữa cơm là được rồi. Mà không phải ăn cơm trong nồi múc ra đâu, mà là cơm của khách ăn thừa. Cầm cự như vậy để chờ cơ hội được hát trở lại. Nói như thế để các em các cháu sau này có đi theo cải lương thì ráng bền lòng vững chí. Nghề nào mới vô cũng có thử thách, nhưng mình cố chung thủy với nghề, làm nghề tử tế thì tôi tin tổ nghiệp không phụ mình đâu. Nhưng nếu các em có kẻ bỏ nghề thì thực sự tôi cũng thông cảm. Mình không dám lấy mình làm cột mốc rồi bắt mấy em giống mình. Chỉ dám khuyên mấy em ráng chịu đựng buổi đầu”.
Hỏi ông yên tâm về thế hệ trẻ hay không, ông nói: “Yên tâm. Các em bây giờ chịu học hỏi, diễn tốt đó chứ. Thế hệ của chúng tôi chủ yếu giọng ca, nhưng thế hệ bây giờ có học diễn xuất nên diễn rất tốt. Chỉ có điều phát âm còn chưa chuẩn, có khi cố tình nói điệu đà để chứng tỏ ta đây “sang trọng”, làm mất sự trong sáng, giản dị của cải lương. Giọng miền Nam phải ra miền Nam chứ. Trừ khi là người Bắc ca vọng cổ thì không ai bắt lỗi, đằng này người Nam bộ mà phát âm cứ như vùng nào”.
Nhưng tại sao ông lại yên tâm về lớp trẻ trong khi khán giả hình như cứ nuối tiếc “thế hệ vàng” của ông cùng Thanh Nga, Bạch Tuyết, Lệ Thủy, Mỹ Châu, Út Trà Ôn, Minh Vương, Minh Phụng, Thanh Kim Huệ, Chí Tâm, Ngọc Giàu, Phượng Liên, Thanh Tuấn, Minh Cảnh, Phương Quang, Diệp Lang, Hồng Nga, Tấn Tài, Út Bạch Lan, Hoài Thanh, Ngọc Bích… Ông trầm ngâm: “Chắc tại khán giả quen rồi. Bỏ một thói quen không phải dễ. Nhất là những giọng ca ấy đã theo khán giả suốt mấy chục năm, trở thành thân thuộc. Nhưng tôi mong khán giả hãy thử làm quen với thế hệ trẻ, hãy chấp nhận họ. Bởi họ chính là người kế thừa thế hệ chúng tôi giữ cho cải lương tồn tại và phát triển. Họ có cái hay riêng bù vào chỗ yếu hơn so với chúng tôi. Thực sự nhiều nghệ sĩ có lượng fan đông đảo lắm chứ”. Chính vì vậy mà ông vẫn đi hát chung với nghệ sĩ trẻ như một cây cầu bắc từ thế hệ này sang thế hệ khác, mong sân khấu sẽ được truyền lửa mãi mãi.
*Đường gươm Nguyên Bá nặng nỗi niềm
Bìa CD vở Đường gươm Nguyên Bá
Điều mà Thanh Sang đang mong ước là có thể diễn lại những vở hay ngày xưa như Đường gươm Nguyên Bá. Ông ước ao có ai đó bỏ tiền dàn dựng vở này để ông được đóng vai nhà vua. Ông thích Đường gươm Nguyên Bá bởi tính triết lý sâu sắc ẩn trong đó, và nhất là trong nhân vật nhà vua Thanh Sang ít di chuyển, ít vũ đạo, ông sẽ đỡ mệt, đỡ nguy hiểm cho sức khỏe. Ông cười tiết lộ bí mật: “Tôi bệnh nhưng tôi cứ suy nghĩ mãi về vở này, tự sắp xếp chọn lựa đào kép thử xem có ai phù hợp các vai như xưa. Vai Nguyên Bá thì Minh Vương không biết có đóng nổi hay không, vì thượng tướng mà, cứ phải đánh kiếm oai hùng. Vai thái tử Ngũ Châu và nàng Thủy Cúc thì Thanh Tuấn - Thanh Kim Huệ thừa sức khỏe để đóng, nhưng tuổi tác quá chênh lệch so với nhân vật. Mà hai vai này lại quá hay, tôi tìm mãi không ra cặp đào kép nào để đóng cho hợp. Ngẫm nghĩ rồi sinh ra buồn, thèm gặp lại ê kíp ngày xưa diễn với nhau thật ưng ý. Nay người nào cũng già yếu, qua thời xuân sắc, biết có còn gặp lại trên cùng sàn diễn nữa không?...”.
Ông hoài niệm về vở này nhiều lắm, nhưng không có gan bỏ tiền ra “làm bầu”. Ông lắc đầu: “Không ai dàn dựng thì tôi đành bỏ cuộc chứ tôi biết mình không giỏi mấy vụ tính toán, quản lý, mệt lắm, không hợp với bản chất của tôi, thà đừng dính vô”. Thôi thì chờ đợi, xem ai có thể giúp Thanh Sang toại nguyện.
Hoàng Kim
Xem Tiếp
No comments :