{[['']]}
50 năm qua, cái tên Minh Phụng đã in đậm trong lòng khán giả mộ điệu... Trong cơn đau nhức hành hạ, anh vẫn ra sân khấu tham gia live show của nghệ sĩ Ngọc Đáng. Đây là hình ảnh cuối cùng, tuyệt đẹp của anh để lại cho sân khấu cải lương.
Sáng 29-11, Nghệ sĩ ưu tú (NSƯT) Minh Phụng đã qua đời tại nhà riêng sau khi gia đình cố hết sức giữ gìn những hơi thở sau cùng cho anh trên đường đưa từ Bệnh viện Chợ Rẫy về nhà. Gia đình, đồng nghiệp, khán giả ngậm ngùi tiếc thương anh, mãi nhớ về một nghệ sĩ hào hoa trong hình tượng những "lãng tử-kiếm khách" lay động con tim khán giả...
VẪN MỘT TÂM HỒN NGHỆ SĨ ĐẾN PHÚT CUỐI
Trên chiếc xe ca, người nhà vẫn cố sức bóp bóng hỗ trợ nhịp thở cho nghệ sĩ Minh Phụng nhưng việc ấy chẳng tỏ ra có tác dụng gì. Về đến nhà, anh đã hoàn toàn bất động.
Nghệ sĩ Kiều Tiên òa khóc, nhờ nghệ sĩ Lệ Thủy làm mặt cho chồng như một "tục lệ" trong giới nghệ sĩ. Giữa lúc ruột gan rối bời, thi hài chồng nằm đó, người nhà, bạn bè xúm quanh, nghệ sĩ Kiều Tiên như giật mình, vội vàng chạy đi kiếm cái đầu tóc giả. Chị thổn thức: "Phải đội vô cho đẹp, ảnh sợ xấu lắm. Ảnh nói mình là nghệ sĩ, lúc nào khán giả cũng nhìn vô mình như tượng trưng cho cái đẹp". Vừa thoa son, phủ phấn cho thi hài nghệ sĩ Minh Phụng, người bạn diễn ăn ý từng được mệnh danh là "cặp đôi Bão biển" trên sân khấu Kim Chung với mình, nghệ sĩ Lệ Thủy vừa nói như dỗ dành: "Rồi nè, đẹp rồi nè, ra đi tươi tắn nghe anh!...".
Nghệ sĩ Kiều Tiên khóc, kể: "Anh Minh Phụng mất lần này một phần vì ảnh là nghệ sĩ, sợ xấu, sợ phải cưa chân. Cách đây nửa tháng, ảnh đau quá, gia đình mới đưa vào Chợ Rẫy. Bác sĩ nói phải cưa chân mới giữ được mạng sống nhưng ảnh không cho. Qua giới thiệu, gia đình đưa ảnh qua Bệnh viện Đại học Y Dược để một bác sĩ từ Pháp về chạy chữa theo cách khác. Mấy ngày gần đây ảnh đau quá, hôn mê, gia đình lại đưa ảnh vào Chợ Rẫy, quyết định cưa bớt một khúc chân bị hoại tử vì suy tim, suy thận để giữ mạng sống cho ảnh mà ảnh vẫn không qua khỏi. Ảnh đâu có muốn chết, ảnh vẫn mang tâm nguyện được sống thêm hai năm nữa để nhìn đứa con trai út lấy vợ mà...".
Thẫn thờ, nghệ sĩ Lệ Thủy cho biết cách nay 10 ngày, khi chị vào thăm, nghệ sĩ Minh Phụng vẫn còn rất tỉnh táo. Anh vẫn đau đáu chuyện ca diễn, gặp gỡ khán giả. Anh hăng hái bàn tính với chị Tết này sẽ diễn nguyên tuồng "Xin một lần yêu nhau". Anh nói lúc đang trên giường bệnh: "Tôi sẽ hát đến hơi thở cuối cùng. Căn bệnh suy thận hiện nay buộc tôi phải ba ngày trong tuần đến bệnh viện chạy thận nhưng tôi vẫn hết sức lạc quan vì bên tôi vẫn còn đồng nghiệp, khán giả yêu mến mình".
Và thật, đúng là anh đã hát đến hơi thở sau cùng. Đêm 1-11, trong cơn đau nhức hành hạ, anh vẫn ra sân khấu tham gia live show của nghệ sĩ Ngọc Đáng. Đây là hình ảnh cuối cùng, tuyệt đẹp của anh để lại cho sân khấu cải lương. Còn năm 2005, khi vừa từ cõi chết trở về sau một lần thay tim, còn khá yếu, anh vẫn sóng đôi cùng các nghệ sĩ Bạch Tuyết, Lệ Thủy trên sàn diễn tạo nên những khoảnh khắc vừa mong chờ vừa thỏa lòng người xem...
NHỚ MÃI "ÁO VŨ CƠ HÀN"...
Trong lòng khán giả cải lương hằng bao thế hệ, vở tuồng "Tâm sự loài chim biển" đã trở nên vô cùng quen thuộc. Thậm chí nhiều người còn có thể ngân nga một vài câu vọng cổ mô tả ngạo khí ngang tàng của một tay kiếm khách nghèo lang bạt nhưng trọng nghĩa, trọng tình có cái tên "Áo vũ cơ hàn".
Sở dĩ "Áo vũ cơ hàn" có sức sống như thế là nhờ công không nhỏ của nghệ sĩ Minh Phụng. Anh đã thể hiện nhân vật bằng một giọng ca vừa khí khái, vừa u buồn, vừa tha thiết khiến người nghe rất dễ nhập tâm và dễ cảm. Và dĩ nhiên, trong cái dễ cảm, dễ nhớ của những nhân vật lãng tử-kiếm khách không thể thiếu sự hào hoa cùng những mối tình ngang trái. Minh Phụng thường rất thành công trong những vai diễn như thế với một vóc dáng sân khấu sáng đẹp, giọng ca hay trời phú và khả năng diễn được xem là vượt trội so với những nghệ sĩ được xếp hạng là "đào - kép ca" (khác đào - kép diễn) như anh.
Bây giờ những "Áo vũ cơ hàn" trong "Tâm sự loài chim biển", Âu Thiên Vũ trong "Xin một lần yêu nhau", Mộ Dung Thạch - "Kiếp nào có yêu nhau", Trần Tự Tâm - "Máu nhuộm sân chùa", hay một Mẫn Vân Lâu - "Mùa thu lá bay" mang nét lãng tử phong trần, si tình của nghệ sĩ Minh Phụng vẫn sống mãi cùng khán giả. Và bởi các nhân vật của nghệ sĩ Minh Phụng dễ nhớ, dễ cảm quá nên khi nghe ông sức khỏe suy kém, cần thay thận vào năm 2005, đã từng có một người hâm mộ tình nguyện tặng cho ông quả thận của mình...
VINH QUANG ĐẾN TỪ CƠ CỰC
Tuổi thơ cậu bé Thiệu trôi qua khốn khó trong gia đình có 10 người con. Từ bảy tuổi, hàng ngày cậu bé đã phải dậy từ 4 giờ sáng để phụ mẹ dọn gánh hàng nhỏ ra chợ bán. Còn nghề chính của Thiệu sau giờ đến trường là bán đậu phộng rang, chuối chiên giúp gia đình. Tuổi thiếu niên, nhờ giọng ca hay, Thiệu được nhạc sĩ Hương Huyền giới thiệu vào gánh hát Tân Đô và được ông bầu đặt nghệ danh là Tân Tiến.
Vai diễn đầu tiên của anh "kép con" Tân Tiến lại là vai một nhà sư già trong vở "Bến tang thương". 17 tuổi, kép Tân Tiến đổi tên thành Minh Phụng ghép từ hai cái tên "Minh" và "Phụng" của con một người bạn thân. Từ đó, cuộc đời nghệ sĩ Minh Phụng trôi nổi hơn 10 năm qua hàng chục đoàn hát lớn, nhỏ với đủ dạng vai và cả cái nghề nhắc tuồng để kiếm sống.
Sự gian khổ và lòng kiên trì đã tôi luyện anh kép trẻ ngày một sáng giá hơn để lọt vào mắt các ký giả kịch trường. Từ những năm 1968, cái tên Minh Phụng bắt đầu được báo chí nhắc đến trên sân khấu Thủ Đô. Sau đó, được đoàn Kim Chung mời ký hợp đồng, cũng là lúc giọng ca chín muồi, nét diễn trở nên sắc sảo, từ cơ cực, nghệ sĩ Minh Phụng bắt đầu đón nhận vinh quang của một ngôi sao sân khấu. Cái tên của anh sánh cùng tên những cô đào hạng nhất thời bấy giờ như Út Bạch Lan, Bạch Tuyết, Mỹ Châu, Lệ Thủy, Phượng Liên, Thanh Kim Huệ... từ lĩnh vực băng đĩa ra đến sân khấu. 50 năm qua, cái tên Minh Phụng đã in đậm trong lòng khán giả mộ điệu...
(Theo HÒA BÌNH - Pháp Luật TPHCM)
No comments :