{[['']]}
CẬU BÉ NGHÈO BÊN … HÔNG CHỢ LỚN
LẦN GIỞ TỪNG TRANG KÝ ỨC CÓ NHIỀU CHUYỆN, TÔI NHỚ QUÊN LẪN LỘN. NHƯNG NHỮNG KÝ ỨC TUỔI THƠ, TÔI VẪN NHỚ NHƯ IN. NHỚ NHIỀU CÁI CĂN NHÀ LÁ TỒI TÀN, TÔI ĐÃ KHÓC TIẾNG KHÓC CHÀO ĐỜI. VÀ NHỚ CẢ CÁI CĂN BẾP BÉ TÍ XÍU MÀ MỖI LẦN ĐI ĐÂU CHƠI, ĐÓI BỤNG CHẠY VỀ NHÀ LÀ THẤY MÁ TÔI ĐỨNG Ở ĐÓ... ĐÔI LÚC TÔI CẢM ƠN CÁI CẢNH ĐỜI NGHÈO KHỔ ĐÃ NUÔI TÔI LỚN LÊN, CHO TÔI NHỮNG BÀI HỌC LỚN...
NHỜ TÌNH THƯƠNG VÔ BỜ CỦA MÁ, TÔI ĐÃ DẦN SỬA CHỮA RẤT NHIỀU THÓI XẤU MÀ TÔI "HẤP THU" ĐƯỢC TỪ CUỘC SỐNG LÊU LỔNG Ở HÈ PHỐ
* LÊU LỔNG HÈ PHỐ...
Tôi sinh ra trong một gia đình nghèo. Má tôi quê ở miệt thứ mười một tỉnh Kiên Giang. Vì bị một chứng bệnh nan y, má tôi cả thời con gái phải sống trong bệnh viện ở Sài Gòn. Má tôi gặp ba tôi cũng là cái duyên kỳ lạ. Ba tôi vốn là công nhân trong bệnh viện, thấy má tôi hiền lành, chịu thương chịu khó nên đã thương và hỏi cưới má tôi. Vì nghèo không tiền thang thuốc mà người chị Hai và anh Ba tôi đều mất ngay khi vừa mới chào đời. Đến khi má tôi sinh anh Tư, ảnh trắng như sữa nên má tôi đặt tên là Tây. Lần sinh ra tôi, má tôi... suýt chết. Mỗi lần nhớ cái ngày "vượt cạn" sinh ra tôi - ngày 10/12/1958, má tôi hay "mắng yêu" :
- Cái thằng sinh nó ra "trần ai khoai củ". Người ta cùng lắm là đẻ ngược. Còn thằng này lại đẻ... ngang. "Cái tay" ra trước, lại còn vẫy vẫy, làm má muốn rớt tim.
Tôi hay nói đùa với má, không biết có phải là cái vẫy tay định mệnh mà con mới theo nghề hát. Nói vui thế thôi chứ hồi nhỏ tôi chỉ mải mê... rong chơi lêu lổng suốt ngày ngoài đường, hết mê đá gà đến đá cá, chẳng có chút ham thích gì về nghệ thuật.
Những đứa trẻ nghèo thường hay mặc cảm, còn tôi hồi bé chẳng hề cảm thấy cái nghèo là... khổ. "Thiên đường" tuổi thơ của tôi là theo lũ bạn đi đá gà, đá cá. Thực ra chỉ là đứng "chầu rìa" xem người ta đá gà, cá cược mà thôi chứ tôi làm gì có tiền. Cái xóm nghèo thường hỗn tạp, tôi cũng nhiễm đủ mọi thói hư tật xấu của những đứa trẻ lêu lổng. Lâu lâu ki cóp nhịn ăn sáng được ít đồng lẻ là tôi "nướng sạch" vào mấy trò cá cược. Không có tiền cá, tôi cá với mấy đứa bạn bằng bất cứ cái gì tôi có trong tay, kể cả cái ná bắn thun... Cho đến một lần, tôi tận mắt thấy con gà bị cựa của đối thủ đâm chết, nó vẫy chết thảm thương, máu chảy đầm đìa... Hình ảnh đó đã làm tôi choáng váng và tôi không còn hứng thú xem đá gà nữa...
Niềm đam mê của tôi lại dồn hết vào mấy con cá. Mỗi lần thích con cá lia thia nào là tôi "xoay xở" đủ cách để có tiền mua được con cá chiến đó. Ba tôi rất nghiêm khắc còn má tôi rất hiền. Mỗi lần bà đi bán về là tôi lại ôm chầm lấy bà và tay thì..."mò" vào túi, lấy mấy đồng bạc lẻ để mua cá đá. Bọn bạn tôi gọi đó là trò "bắt muỗi" trong túi. Tôi lấy nhiều lần má tôi cũng chẳng hay biết. Trong đầu óc non nớt của một đứa trẻ lên tám, tôi cũng không nghĩ đó là tật xấu, chỉ vì tôi quá ham thích đá cá mà thôi. Đến khi má tôi khám phá ra được cái trò "bắt muỗi" của tôi, bà không đánh cũng không nói với ba tôi. Bởi ba tôi mà biết, chắc là tôi sẽ bị no đòn. Bà chỉ nắm chặt hai bàn tay tôi và bảo : "Đôi tay này má sanh con ra để con làm chuyện tốt. Ăn cắp là một tật rất xấu của một đứa trẻ hư, con có biết không?". Tôi rất thương má, sợ nhất những khi má buồn. Và từ đó, tôi hứa trong lòng không còn tái phạm nữa.
Sau này tôi hay nghĩ, nếu như tôi không có tình thương vô bờ của má, có lẽ tôi đã là một đứa chơi bời lêu lổng. Tánh tôi vốn bướng bỉnh mê cái gì rồi thì dù ba tôi có đánh tôi nhừ tử, tôi cũng không bỏ được. Nhưng vì tôi thương má, vì sợ má buồn nên tôi đã không phạm phải những lỗi lầm lớn mà dần sửa chữa được những tật xấu mà tôi đã "hấp thu" từ cuộc sống lêu lổng ngoài đường phố...
*TRỐN CHA ĐI HỌC CA...
Ba má tôi dù cố gắng làm việc cật lực cũng không thể lo cho anh em tôi được học hành đầy đủ. Tôi còn nhớ, tôi và anh Tây đi học chỉ mặc chung một chiếc quần. Anh học buổi sáng, tôi học buổi chiều. Sau này anh Tây cũng phải nghỉ học để tôi được đến trường. Những khi nhà túng quẫn, không có tiền đóng học phí, tôi cũng phải nghỉ học một thời gian. Vì thế, tôi lớn "tồng ngồng" mà vẫn phải học chung lớp với mấy đứa nhỏ. Quá mắc cỡ, tôi xin má cho nghỉ học để đi học ca. Thực ra tôi cũng chẳng có ý thức gì về con đường ca hát. Tôi muốn đi học ca chỉ vì ham vui theo đám bạn và cũng để khỏi phải đi học chung với đám nhỏ. Tôi cũng không hiểu được vì sao má tôi lại dễ dàng đồng ý cho tôi đi học ca. Có lẽ má cũng mong muốn có một tương lai tốt đẹp cho tôi. Má tôi còn giấu biệt ba tôi bởi ông mà biết tôi bỏ học đi học ca, là ông sẽ đánh tôi nhừ tử.
Tôi theo mấy đứa bạn học ca ở trường Văn Phát, chủ yếu là học ký xướng âm ca tân nhạc. Tôi vẫn chưa có một ý niệm sẽ đi học ca cổ, cho đến một ngày số phận đã dung rủi tôi đến với lò dạy ca cổ của thầy Văn Vĩ. Chiều hôm đó lớp tôi được nghỉ sớm. Tôi và hai đứa bạn kéo nhau đi chơi, đến đường Trần Quốc Toản, nghe tiếng ca rơm rả quá chừng, tôi chạy vào xem. Vì muốn chọc ghẹo...mấy cô học ca nên bọn tôi ghi tên học ca cổ-sáng học tân nhạc, chiều học cổ nhạc. Thầy Văn Vĩ rất nghiêm khắc. Trên tay thầy luôn cầm một cây để nhịp, mỗi khi thầy nghe đứa nào ca trật nhịp là thầy gỏ lên đầu đau điếng. Lạ là hai mắt thầy không thấy đường nhưng tai rất thính, tiếng ca đứa nào thầy nghe rất rõ, "bắt giò" không bao giờ trật. Có lẽ nhờ sự dạy dỗ cứng rắn của thầy mà trong một thời gian rất ngắn, tôi ca đã đúng nhịp, có kỹ thuật. Tháng đầu tiên tôi đã vượt lên đứng đầu lớp.
Tôi đi học ca được đúng bốn tháng mà ba tôi vẫn không hề hay biết. Cho đến một hôm tôi đang đu mình trên cây ổi, ba tôi bất ngờ lục soát cặp của tôi. Mở ra ông giận tái người khi thấy toàn là những bài đờn. Giận quá ông la lối om sòm, hất tung những bài ca trong cặp tôi bay tá lả khắp nhà. Từ trên cây thấy mặt ba tôi xanh tái giận dữ, tôi hoảng sợ đến nỗi...làm bậy ra quần, nhảy tót xuống dưới đất chạy trốn qua nhà hàng xóm. Đứng ở đằng xa, tôi vẫn còn nghe tiếng ba tôi la lớn tra gạn mẹ tôi và tiếng khóc, tiếng đấm đá hùynh huỵch. Tôi vừa khóc thương mẹ, vừa sợ không dám về nhà, chờ đến khuya, đợi ba tôi đi ngủ, tôi mới lén về nhà. Một bàn tay trong bóng tối nắm lấy tay tôi, kéo nhẹ tôi vào giường. Tôi nhận ra hơi ấm và những giọt nước mắt của mẹ, tôi gục vào lòng bà khóc rấm rứt. Trời vừa sáng tôi bật dậy thật sớm vì sợ chạm mặt ba tôi.
Ti Ti Yến
No comments :